ViettelStore

Vươn lên bằng sự mới mẻ và khác biệt

14/04/2015 | 05:37 PM
Vươn lên bằng sự mới mẻ và khác biệt

QĐND - Trong môi trường kinh tế khó khăn của năm 2013, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vẫn vững vàng ở vị trí số 1 của ngành viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam và tiến bước trên đường trở thành công ty viễn thông quốc tế. Tuy nhiên, trước mắt Viettel là muôn vàn thách thức. Viettel có thể tiếp tục thành công hay không? Liệu Viettel có thể "hóa rồng"? Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel đã trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về chiến lược phát triển của Viettel và khát vọng vươn lên khẳng định vị thế của thương hiệu Việt Nam, trí tuệ Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

 

Tầm nhìn và sự linh hoạt

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhìn vào kết quả có thể thấy năm 2013 là một năm tiếp tục thành công của Viettel?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2013, doanh thu của Viettel ước đạt 162.886 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 35.086 tỷ đồng, tăng 27,5%. Nộp ngân sách Nhà nước khoảng 17.586 tỷ đồng, tăng gần 70%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 36,56%. Để đạt được kết quả ấy, Viettel đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Ở thị trường trong nước, các sản phẩm, dịch vụ viễn thông truyền thống đã chững lại, bão hòa. Tập đoàn đạt được mức tăng trưởng như trên nhờ sự đóng góp rất lớn từ các thị trường nước ngoài. Cụ thể, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel năm 2013 là khoảng 850 triệu USD, lợi nhuận là gần 150 triệu USD.

PV: Sau 10 năm phát triển thần tốc, ba năm gần đây tốc độ tăng trưởng doanh thu của Viettel đang chậm dần. Thị trường viễn thông đang dần bão hòa và cạnh tranh cực kỳ khắc nghiệt. Vậy lãnh đạo Tập đoàn có giải pháp gì để ổn định và nâng cao tốc độ tăng trưởng?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Đó cũng chính là câu hỏi mà chúng tôi luôn đặt ra: Viettel đã và đang thành công. Nhưng phải làm thế nào để tiếp tục thành công?

Có thể nhận ra, mức tăng trưởng 15,2% là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây của Viettel. Nhưng nếu phân tích kỹ, mức tăng trưởng ấy không hề thấp trong bối cảnh kinh tế năm qua rất khó khăn. Quy mô của Viettel giờ cũng đã khác trước, tăng doanh thu 15,2% tương đương với tăng gần 23.000 tỷ đồng. Nhưng ở một góc nhìn khác thì thấy, đã 3 năm liên tiếp (từ 2011-2013) tốc độ tăng trưởng của Viettel chỉ bằng 1/3, 1/4 so với trước năm 2010. Có nghĩa là thị trường cũ, sản phẩm cũ, động lực cũ đã phát huy hết thế mạnh của mình.

Muốn tiếp tục tăng trưởng cao hơn thì phụ thuộc vào việc có nghĩ ra, tìm ra những không gian sống mới không, có động lực mới không? Ngành viễn thông, công nghệ thông tin là ngành luôn thay đổi rất nhanh, nếu không có tầm nhìn, không tìm ra cái mới, các hướng đi để đón đầu xu thế, nếu không dám từ bỏ những lợi thế cũ và tìm kiếm lợi thế mới, không kịp thời chuyển dịch thì các tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin tầm cỡ toàn cầu cũng có thể đuối sức rất nhanh. Trong kinh doanh nếu tất cả các doanh nghiệp đổ xô vào một mảng thì mình lại phải tìm mảng khác, nếu không sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và "chết ngộp".

PV: Vậy trong năm qua, Viettel đã chuyển dịch như thế nào để thích ứng với tình hình, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Một vài năm qua, Viettel đã thực hiện sự chuyển dịch sau: Thứ nhất, thực hiện chiến lược ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, ngân hàng, giao thông, điện lực... với các ứng dụng như học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử giữa nhà trường và gia đình; y bạ điện tử; dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động (bankplus); dịch vụ giám sát các phương tiện vận tải, công tơ điện... Xu thế chung trên thế giới là ngành viễn thông đang đi sang các lĩnh vực khác, làm thông minh hóa các lĩnh vực khác, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý. Chính việc chuyển dịch sang các lĩnh vực khác, dựa trên nền tảng công nghệ để kinh doanh trong các lĩnh vực khác khiến cho doanh nghiệp viễn thông mở rộng được không gian sống của mình. Năm 2013, Viettel đã phát triển khoảng 20 loại dịch vụ như thế, tiềm năng còn có thể có hàng trăm, hàng nghìn dịch vụ. Dần dần doanh thu từ dịch vụ thoại truyền thống có lẽ chỉ còn khoảng 30%.

Thứ hai, Viettel đang và sẽ thực hiện quyết liệt việc chuyển dịch từ di động thành di động băng rộng. Với điện thoại thông minh và di động băng rộng thì mỗi người dân sẽ có một chiếc máy tính trong lòng bàn tay và kết nối Internet, với chi phí giảm hàng chục lần so với máy tính truyền thống và đường truyền qua cáp đồng ADSL.

Thứ ba, Viettel bắt đầu đầu tư vào cố định băng rộng. Hơn chục năm gần đây, các doanh nghiệp viễn thông đề cao dịch vụ di động và kiếm tiền chủ yếu nhờ dịch vụ di động. Tưởng như các dịch vụ cố định sẽ ngày càng thu hẹp. Thế nhưng, Viettel là một trong số rất ít các công ty di động tuyên bố chuyển dịch sang cố định, chỉ khác là cố định băng rộng, đưa cáp quang đến tận hộ gia đình. Bởi vì, chỉ có hạ tầng băng thông rộng cố định mới là cơ sở để chúng ta có thể triển khai mạnh hơn rất nhiều ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin như dịch vụ truyền hình, đào tạo từ xa, mua sắm từ xa, ngôi nhà thông minh...

Thứ tư, Viettel sẽ tiếp tục chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ viễn thông sang công ty nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Năm qua, Viettel đã đạt được một số thành quả trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thông tin quân sự, hệ thống ra-đa quản lý vùng trời, điện thoại di động... Mục tiêu của Tập đoàn là sẽ trở thành một tổ hợp công nghiệp về nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Một nước muốn thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" thì buộc phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ cao. Với một thị trường trên 250 triệu dân (gồm Việt Nam và 9 nước khác), Viettel rất có lợi thế để nhảy vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất.

Thứ năm, Viettel tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, tăng trưởng doanh thu từ khu vực này hứa hẹn sẽ tiếp tục ở mức cao từ 30% đến 40%/năm trong một vài năm tới.

Thứ sáu, Viettel đã đến lúc phải chuyển dịch mô hình quản lý, cách thức quản lý để trở thành một công ty toàn cầu với sự chuyên nghiệp hoá nhưng vẫn giữ được sự linh hoạt và thích ứng nhanh để cạnh tranh.

PV: Là lãnh đạo của doanh nghiệp đang đầu tư mạnh ra nước ngoài, theo đồng chí, phẩm chất nào giúp cho người Việt Nam có cơ hội thành công trong cạnh tranh toàn cầu?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Thế kỷ 21 là thế kỷ biến động rất nhanh, với những yêu cầu tính cá thể hóa cao. Nó đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo. Đây chính là lúc những tố chất của người Việt Nam phát huy tác dụng. Tôi đánh giá rất cao tính linh hoạt của người Việt Nam . Người Việt Nam luôn nghĩ ra cách thức để thích nghi với hoàn cảnh. Đó là vũ khí hữu hiệu mà Viettel đã tận dụng tốt khi đầu tư ra nước ngoài và đã chiến thắng ở nhiều thị trường. Nhờ tính linh hoạt rất đặc thù của người Việt Nam , Viettel quyết định rất nhanh, phản ứng rất nhanh trước các yêu cầu, các thay đổi. Với tính giỏi ứng biến của người Việt Nam , Viettel ở Cam-pu-chia khác Viettel ở Lào, khác Viettel ở Mô-dăm-bích, khác Viettel ở Pê-ru... Viettel luôn có cách biến mình phù hợp với môi trường để tồn tại và phát triển. Về nghiên cứu sản xuất, Viettel cũng chọn hướng cá thể hoá, các sản phẩm của Viettel có số lượng không lớn nhưng đáp ứng những nhu cầu đặc thù của từng phân đoạn thị trường.

Tạo ra người tài từ thách thức trong công việc

PV: Cạnh tranh quốc tế đòi hỏi phải có vốn, chất xám. Liệu Viettel có đủ vốn, đủ người tài để đọ sức với các tập đoàn viễn thông khổng lồ của thế giới không?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Các doanh nghiệp Việt Nam có một bất lợi do chưa được coi là đất nước có thương hiệu lớn về công nghệ cao như Mỹ, Anh, Thụy Điển... Không chỉ có vậy, nhìn vào danh sách những doanh nghiệp viễn thông tầm cỡ quốc tế thì Viettel ít vốn nhất, ít tên tuổi nhất, đến từ một nước nghèo nhất. Thế mà, nhiều nước vẫn tin tưởng trao cơ hội cho Viettel. Tại nhiều thị trường, Viettel đã gây ra ngạc nhiên lớn khi vượt qua những thương hiệu sừng sỏ của thế giới.

Vì sao Viettel thành công? Vì chúng tôi luôn tìm sự khác biệt. Viettel có triết lý khác hẳn. Các công ty quốc tế thường chỉ đầu tư ngắn hạn ở thị trường nước ngoài, chỉ đầu tư vào thành phố, giá cước cao, thu lợi nhuận mới đầu tư tiếp. Còn Viettel thì đầu tư dài hạn, đầu tư trước rồi mới kinh doanh, đầu tư rộng khắp lãnh thổ, cả ở vùng sâu, vùng xa, giá thấp hơn, phổ cập dịch vụ cho mọi người dân, hỗ trợ ngành giáo dục dùng internet miễn phí, hỗ trợ chính phủ, công an, quân đội... Những điều ấy đã tạo ra niềm tin. Và còn nữa, trong ngành viễn thông, muốn cạnh tranh được thì phải có hạ tầng tốt hơn đối thủ lớn nhất. Chúng tôi đã làm được điều đó. Từ con số không, Viettel đã nằm trong tốp 15 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Về chuyện lo ngại mình có đủ người giỏi để đáp ứng cạnh tranh không, tôi cho rằng, muốn có được nhân lực giỏi không thể chỉ trông chờ vào giáo dục, đào tạo ở nhà trường, mà dứt khoát cần phải có 3 yếu tố nữa, đó là: Môi trường làm việc tốt, được giao nhiều việc khó để làm và được dẫn dắt tốt. Ở Viettel, một câu đã trở thành giá trị cốt lõi là "Trưởng thành qua những thách thức và thất bại". "Thời thế tạo nên anh hùng" - Cái khó khăn của Viettel đã tạo nên những người tài của Viettel. Viettel tiếp tục đối mặt với những thách thức mới thì Viettel sẽ tiếp tục sản sinh ra những người tài.

Muốn vươn lên phải luôn thấy mình "nhỏ bé", "đói khát"

PV: Khi Viettel còn nhỏ bé, đồng chí đã chỉ ra những nguy cơ đối với Viettel khi vươn lên vị thế của doanh nghiệp dẫn đầu, trong đó có sự tự mãn, sự quan liêu, sự cửa quyền... Lãnh đạo Viettel đã cảm thấy sức ép của vị trí số 1 chưa? Làm thế nào để tránh được những mặt trái khi đang là "người dẫn đầu"?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Khi ta đã là số 1 thì sẽ được nhiều người khen ngợi, dễ tự mãn. Sự tự mãn sẽ thủ tiêu ý chí phấn đấu. Để tránh nguy cơ này, Viettel luôn phải khởi tạo việc mới. Ví dụ, vươn ra biển lớn, Viettel mới thấy mình còn quá nhỏ bé, vốn mới có khoảng 3,5 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới có vốn khoảng 100 tỷ USD. Lúc đó, chúng tôi thấy mình không còn "to" nữa. Cả hệ thống sẽ lại phải gồng mình lên, lại phải cố gắng. Người Viettel phải luôn cảm thấy mình đói khát. Cái đói khát ở đây không hẳn là đói khát tiền bạc, vật chất mà là đói khát ý tưởng, đói khát kiến thức. Thường xuyên nghĩ ra việc mới, mở rộng được không gian mới chính là luôn đặt tổ chức của mình về số 0, và mọi người sẽ lại phải nỗ lực.

PV: Những định hướng lớn của Viettel trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Mục tiêu của Viettel là năm 2020 trở thành một trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới và là một trong 10 công ty đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Muốn vậy, Viettel phải giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15% đến 20%/năm. Năm 2014, Viettel sẽ tích cực thực hiện những chuyển dịch. Tuy luôn phát huy sự linh hoạt nhưng chúng tôi sẽ phải xây dựng những tiêu chuẩn chuyên nghiệp hơn, sự linh hoạt phải được thực hiện trên cơ sở của sự chuyên nghiệp.

PV: Xin cám ơn đồng chí!

HỒ QUANG PHƯƠNG - Báo Quân Đội Nhân Dân(thực hiện)

Mời bạn đánh giá bài viết

Tuyệt vời 0
Rất tốt 0
Bình thường 0
Tạm được 0
Không thích 0
Tin khuyến mại
[ĐỘC QUYỀN] Giảm ngay 1,2 triệu đồng khi mua OPPO A1k kèm gói cước Viettel
Mừng ngày 20/11 tặng 2.000 ổ cứng SSD trị giá 1,5 triệu đồng khi mua máy laptop Dell tại Viettel Store
Mua laptop Acer tặng ngay túi kéo du lịch Raving cao cấp duy nhất tại Viettel Store
Giảm ngay 3 triệu đồng khi mua iPhone 11 Pro Max 64GB màu Midnight Green cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn
Sắm deal khủng 11.11 - Sale hết mình, rinh hết về - Giảm đến 5 triệu đồng