ViettelStore

Top 5 chuẩn kết nối không dây phổ biến nhất năm 2016

14/06/2016 | 01:36 PM

Với 5 chuẩn kết nối không dây phổ biến dưới đây, mọi thiết bị công nghệ có thể kết nối với nhau một các dễ dàng mà không cần dây cáp rắc rối.

Top 5 chuẩn kết nối không dây phổ biến nhất năm 2016

Chuẩn kết nối không dây không dùng cáp cho các kết nối, thay vào đó, chúng sử dụng sóng Radio, cũng tương tự như điện thoại không dây. Ưu thế của mạng không dây là khả năng di động và sự tự do, người dùng không bị hạn chế về không gian và vị trí kết nối. Hãy cùng tìm hiểu 5 chuẩn kết nối không dây phổ biến nhất hiện nay nhé!

 

1. Hồng ngoại (Infrared)

Đây là chuẩn giao tiếp không dây đã xuất hiện từ lâu, từng là kết nối phổ biến để giao tiếp giữa các thiết bị máy tính, điện thoại trong khoảng cách ngắn. Với hồng ngoại, máy tính có thể chuyển các tập tin và dữ liệu số khác theo cả hai chiều cùng lúc. 

Phải đặt thẳng hàng khi kết nối hai thiết bị hồng ngoại với nhau

Việc truyền và nhận dữ liệu sẽ được thực hiện thông qua một cổng trên thiết bị (bạn cần đặt sao cho các cổng hồng ngoại trên các thiết bị thấy nhau mới giao tiếp được). Mạng hồng ngoại vốn được thiết kế để kết nối trực tiếp hai thiết bị nhưng cũng có một số công nghệ hồng ngoại mở rộng cho kết nối hơn 2 máy.

Tầm hoạt động của hồng ngoại ngắn (<5m). Không giống như Wi-Fi và công nghệ Bluetooth, tín hiệu hồng ngoại không thể xuyên qua tường hay các vật cản khác và chỉ làm việc trực tiếp theo đường thẳng.

Hiện do có nhiều công nghệ thay thế nên công nghệ hồng ngoại hầu như đã vắng bóng trên máy tính lẫn điện thoại di động (ĐTDĐ). Nếu có, hồng ngoại chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giao tiếp với bộ điều khiển từ xa (máy tính) hay làm bộ điều khiển từ xa (điện thoại, ti-vi, dàn máy, loa di động, đầu DVD hay Blu-ray…).

 

2. DLNA (Digital Living Network Alliance)

Là một kết nối tuân theo tiêu chuẩn được đặt ra cho các thiết bị không cùng nhà sản xuất như tivi, máy ảnh, điện thoại, laptop, máy in, loa, đầu dvd,... Nếu các thiết bị này có kết nối DLNA tức là bạn có thể chia sẻ (nhạc, phim chất lượng cao, hình ảnh) giữa các thiết bị với nhau mà không cần dùng tới dây cáp kết nối. 

DLNA giúp các thiết bị kết nối với nhau thông qua mạng WiFi

Chỉ cần với 2 thiết bị hỗ trợ DLNA: 1 thiết bị chứa nội dung muốn phát (phim, nhạc, hình) một thiết bị để phát nội dung (tivi, máy chiếu, loa) và một mạng WiFi thì bạn có thể làm được các việc như: phát một Video vừa quay bằng điện thoại lên màn hình tivi, chiếu hình ảnh trên điện thoại bằng máy chiếu, phát nhạc lưu trên điện thoại bằng loa hỗ trợ DLNA (rất tiện lợi cho những bạn muốn thưởng thức nhạc bằng dàn loa chất lượng cao). Hoặc tiện lợi hơn nữa là in ấn trực tiếp từ điện thoại, laptop mà không cần dây cáp kết nối với máy in. 

Tuy nhiên, với DLNA bạn chỉ có thể truyền dữ liệu được lưu sẵn trên ổ cứng của thiết bị này qua thiết bị khác. Nếu bạn dùng smartphone truy cập Youtube thì nội dung này không được kết nối đến màn hình TV. 

 

3. Bluetooth

Bluetooth là một đặc tả công nghiệp cho truyền thông không dây tầm gần giữa các thiết bị điện tử. Công nghệ này hỗ trợ việc truyền dữ liệu qua khoảng cách ngắn giữa các thiết bị di động và cố định, tạo nên các mạng cá nhân không dây (Wireless Personal Area Network - PANs).

Bluetooth được Ericsson phát triển, sau đó được liên minh Bluetooth SIG với các thành viên chính là những hãng sản xuất phần cứng lớn thời bấy giờ như Nokia, Ericsson, Intel, IBM, Toshiba... “chuẩn hóa” và công bố phiên bản đầu tiên vào năm 1998.

Bluetooth là chuẩn kết nối không dây được sử dụng phổ biến nhất hiện nay

Kết nối Bluetooth là vô hướng và sử dụng dải tần 2,4 GHz. Bluetooth hỗ trợ truyền tải dữ liệu trong phạm vi 5m – 100m tùy theo thiết bị trang bị class nào (chi tiết trong bài công nghệ Bluetooth, trang 76). Tuy nhiên, đối với đa số thiết bị dân dụng, phạm vi này chỉ dừng lại ở vài chục mét. Chuẩn Bluetooth mới nhất là phiên bản 4.0 với tốc độ truyền dữ liệu lên đến 25Mbps như chuẩn 3.0 nhưng tiết kiệm năng lượng hơn.

Hiện tại có nhiều thiết bị dùng chuẩn Bluetooth để giao tiếp, truyền dữ liệu như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, tai nghe, loa, chuột, bàn phím, thiết bị định vị GPS, thiết bị y tế, máy quét mã vạch, và các thiết bị điều khiển giao thông…

 

4. NFC

Công nghệ giao tiếp khoảng cách gần NFC (Near Field Communications) sử dụng sóng radio năng lượng thấp để truyền dữ liệu trong khoảng cách ngắn. Giao tiếp được diễn ra ở tần số 13,56MHz nhưng dải năng lượng điện từ trường có phạm vi hạn chế - theo lý thuyết, phạm vi tối đa là 200mm, thực tế triển khai thì chỉ trong khoảng 100mm.

Để NFC hoạt động, chúng ta phải có 2 thiết bị: Thiết bị nguồn (initiator) và thiết bị đích (target). Thiết bị nguồn sẽ là thiết bị được trang bị nguồn phát năng lượng để tạo ra các làn sóng radio cung cấp năng lượng cho thiết bị đích. Thiết bị đích thì không cần năng lượng điện, chỉ cần có một bảng mạch NFC ghép vào là xong, nó sẽ sử dụng năng lượng do thiết bị nguồn cung cấp. Điều này làm NFC khác với công nghệ Bluetooth, vì Bluetooth yêu cầu cả 2 thiết bị phải có nguồn cung cấp điện để hoạt động.

Nhờ NFC mà chúng ta chỉ cần cho 2 thiết bị chạm vào nhau là chúng có thể kết nối với nhau, không phải dùng mã số để xác nhận 2 thiết bị như khi dùng Bluetooth.

Tưởng tượng khi bạn đi coi phim, chỉ cần đưa điện thoại chạm vào tấm poster có biểu tượng NFC, tất cả thông tin về phim sẽ được hiển thị trên điện thoại, hay như hình dưới, chỉ cần chạm điện thoại vào chiếc loa là bài hát đang nghe từ điện thoại sẽ được phát qua loa mà không cần phải có dây nối.

Những tính năng chính của NFC bao gồm chia sẻ hình ảnh, video và danh bạ giữa các điện thoại; kết nối điện thoại với các thiết bị khác như tai nghe, loa. Ngoài ra, thẻ NFC (NFC tag) giúp người dùng có thể dùng điện thoại quét qua một món hàng trên kệ hàng siêu thị để biết ngay thông tin về chúng.

 

5. Miracast

Là một giải pháp giúp hiển thị trực tiếp nội dung của một thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng,...) lên màn hình của một thiết bị khác như tivi, máy chiếu với đầy đủ âm thanh, hình ảnh chất lượng cao. Tương tự như kết nối HDMI nhưng không cần dây cáp rườm rà, bạn cũng không cần một mạng WiFi riêng biệt để hỗ trợ hai thiết bị kết nối với nhau. 

Miracast được xây dựng trên giao thức Wi-Fi Direct để truyền dữ liệu (Wi-Fi Direct là một chuẩn cho phép các thiết bị WiFi kết nối với nhau mà không cần đến điểm truy cập không dây). 

Các thiết bị đến từ các hãng khác nhau vẫn kết nối được với nhau thông qua chuẩn Miracast

Với Miracast bạn có thể: stream (hiển thị trực tiếp) một bộ phim đang xem online bằng điện thoại lên màn hình tivi/máy chiếu; chơi game trên thiết bị di động nhưng hiển thị trên màn hình lớn; phát nhạc online hoặc nhạc đã tải về từ thiết bị di động thông qua dàn loa xịn.

Smartphone và tablet đang phát triển một cách chóng mặt. Hiện tại số lượng thiết bị kết nối mạng đang nhiều gấp đôi so với lượng người trên Trái Đất. Trong tương lai, chắc chắn công nghệ được áp dụng trên các chuẩn kết nối không dây sẽ còn nhiều đột phá hơn nữa.

 

Nguồn: Tổng hợp viết

Mời bạn đánh giá bài viết

Tuyệt vời 0
Rất tốt 0
Bình thường 0
Tạm được 0
Không thích 0
Tin khuyến mại
[ĐỘC QUYỀN] Giảm ngay 1,2 triệu đồng khi mua OPPO A1k kèm gói cước Viettel
Mừng ngày 20/11 tặng 2.000 ổ cứng SSD trị giá 1,5 triệu đồng khi mua máy laptop Dell tại Viettel Store
Mua laptop Acer tặng ngay túi kéo du lịch Raving cao cấp duy nhất tại Viettel Store
Giảm ngay 3 triệu đồng khi mua iPhone 11 Pro Max 64GB màu Midnight Green cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn
Sắm deal khủng 11.11 - Sale hết mình, rinh hết về - Giảm đến 5 triệu đồng