Câu chuyện về vi phạm bằng sáng chế là việc diễn ra như cơm bữa trong thế giới công nghệ. Sau đây là 4 vụ vi phạm bằng sáng chế tiêu biểu nhất.
4 vụ vi phạm bằng sáng chế nổi tiếng trong lịch sử công nghệ
Apple vi phạm bằng sáng chế của Trường Đại học Wisconsin
Tòa án Mỹ tuyên bố Apple phải trả cho Trường đại học Wisconsin số tiền 234 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế ở lĩnh vực vi xử lý.
Trường đại học Wisconsin cho rằng phán quyết này rất quan trọng trong việc bảo vệ bản quyền từ những trường hợp sử dụng trái phép. Họ khẳng định đã cấp bằng sáng chế cho những nhà nghiên cứu của Đại học Wisconsin vào năm 1998. Bằng sáng chế này đã cấp cho nhóm Andreas Moshovos, Scott Breach, Terani Vijaykumar và Gurindar Sohi, những người đã tìm ra công nghệ nâng cao hiệu quả xử lý của các loại chip thông minh.
Theo đó, nhóm này cáo buộc hãng công nghệ Apple đã sử dụng công trình của mình để tích hợp vào một số loại chip xử lý như A7, A8, A8X dùng trong iPhone 5S, iPhone 6 và iPhone 6 Plus mà không có sự chấp thuận.
Apple vi phạm bằng sáng chế của Trường Đại học Wisconsin trong lĩnh vực chíp xử lý
“Chúng tôi tin rằng công nghệ của chúng tôi đã đi trước thời đại. Gần hai thập niên trước, chúng tôi đã dự đoán về việc các sản phẩm máy tính phải cần tới công nghệ này. Nhóm đã ra bỏ hơn 11 năm làm việc để giải quyết vấn đề này”, ông Sohi đại diện nhóm cho biết.
WARF đã đệ đơn kiện Apple từ năm ngoái với tổng số tiền bồi thường thiệt hại là 862 triệu USD, nhưng năm nay mới nhận được một phán quyết thắng kiện với số tiền bồi thường 234 triệu USD. Phía Apple chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về phán quyết này, nhưng cho biết họ sẽ kháng cáo lên tòa án cao hơn.
Samsung trả hơn nửa tỷ USD tiền vi phạm bằng sáng chế của Apple
Samsung và Apple đã liên tục lôi nhau ra tòa để kiện cáo về bằng sáng chế trong nhiều năm nay, thế nhưng có vẻ mọi chuyện đang dần đi vào đoạn kết. Theo một tài liệu được cả Samsung và Apple gửi lên tòa án mới đây, Samsung đã đồng ý trả cho Apple 548 triệu USD tiền vi phạm trước ngày 14/12. Trong phán quyết được đưa ra cách đây 3 năm, tòa án yêu cầu Samsung phải trả cho Apple tới 1 tỷ USD, thế nhưng có vẻ sau nhiều lần phản đối, Samsung sẽ chỉ phải trả hơn một nửa mức phạt ban đầu.
Apple và Samsung luôn là hai đối thủ không đội trời chung
Được biết các tranh chấp và kiện tụng về bản quyền sáng chế công nghệ giữa Apple và Samsung bắt đầu từ 2011.
Theo Apple - hãng công nghệ lớn nhất của Mỹ, Samsung - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nó tới từ Hàn Quốc đã sử dụng trái phép bằng sáng chế, thậm chí sao chép về thiết kế, giao diện hay tính năng có trên iPhone, iPad. Vì vậy, Apple đã đệ đơn tố cáo hãng này lên tòa án ở Mỹ. Năm 2012, tòa án phúc thẩm tại California (Mỹ) đã đưa ra phán quyết buộc Samsung phải đền bù cho Apple. Mới đầu, Apple đòi bồi thường tới 2,5 tỉ USD nhưng sau đó điều chỉnh xuống 1 tỉ USD. Năm ngoái, Samsung đã đồng ý trả 930 triệu USD nhưng tới tháng 5 năm nay, con số này rút xuống chỉ còn 548 triệu USD.
LG đệ đơn kiện Samsung vi phạm bằng sáng chế
Trong năm 2012, LG Display, một trong những công ty của tập đoàn LG, đã đệ đơn kiện Samsung vì việc sử dụng những bằng sáng chế của hãng này trong việc sản xuất màn hình OLED. Hãng LG khẳng định năm sản phẩm của Samsung, trong đó có những chiếc smartphone và máy tính bảng dòng Galaxy, đều sử dụng những bằng sáng chế về OLED của LG.
LG đệ đơn kiện Samsung vi phạm bằng sáng chế màn hình OLED
Thông báo của LG cho hay: "Chúng tôi đã đệ đơn kiện để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như thúc đẩy cạnh tranh công bằng." LG Display cho biết đang tìm kiếm một khoản bồi thường trong trường hợp được tòa xét xử thắng Samsung. Tuy nhiên, cả Samsung và LG, những hãng điện tử lớn nhất thế giới trong việc sản xuất màn hình tivi, đều khẳng định quyền sở hữu công nghệ OLED. Cuộc tranh chấp này diễn ra suốt một năm và cuối cùng cả hai đều chấp nhận "vứt bỏ" loạt đơn kiện liên quan nhắm vào nhau.
Phía Samsung Display cho biết: "Chúng tôi đều đồng ý rằng cần phải tập trung hơn để khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trên thị trường toàn cầu thông qua việc hợp tác, thay vì giữ chân nhau trong những vụ kiện tụng tranh chấp bằng sáng chế. Đáp lại, LG đưa ra tuyên bố tương tự: "Điều quan trọng nhất đối với hai hãng là tăng cường năng lực cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Facebook và Yahoo tố vi phạm bằng sáng chế của nhau
Ngày 12/3/2012,Yahoo! đã đâm đơn kiện trang mạng xã hội Facebook với cáo buộc trang mạng xã hội khổng lồ này vi phạm bằng sáng chế. Trong đơn kiện nộp lên Tòa án quận Bắc của bang California ở Mỹ, Yahoo! kiện Facebook vi phạm 10 bằng sáng chế của hãng này.
Cả Yahoo! và Facebook đều cho rằng đối thủ vi phạm bằng sáng chế của mình
Yahoo! cho hay: “Phần lớn công nghệ mà Facebook sử dụng là dựa trên các công nghệ mà Yahoo! có trước đó và đã được cơ quan phụ trách bằng sáng chế Mỹ cấp bằng sáng chế để bảo vệ những phát kiến này". Các bằng sáng chế của Yahoo! liên quan tới những phát kiến độc đáo về các sản phẩm trực tuyến, trong đó có tin nhắn, hệ thống tạo lập cung cấp tin tức, bình luận xã hội, hiển thị quảng cáo, kiểm soát thông tin riêng tư, v.v…
Yahoo! khẳng định toàn bộ mô hình mạng xã hội của Facebook, cho phép người sử dụng tạo ra các profile và kết nối với các cá nhân và doanh nghiệp cùng với nhiều ứng dụng khác, đều dựa trên công nghệ kết nối mạng xã hội đã được cấp bằng sáng chế của Yahoo!. Sau đó một tháng, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã có đòn đáp trả Yahoo! Trong đơn kiện, Facebook cáo buộc Yahoo đã vi phạm tới 10 bằng sáng chế của họ, trong đó dịch vụ chia sẻ ảnh Flickr của Yahoo và một tính năng hoạt động gần đây đã sử dụng trái phép bằng sáng chế có liên quan tới việc tạo ra “feed” cá nhân của các nội dung trên một mạng xã hội.
Luật sư trưởng Ted Ullyot của Facebook bày tỏ: “Facebook kiện lại Yahoo nhằm đáp trả quyết định thiển cận mà Yahoo đã làm đối với chúng tôi, bởi dù gì thì Facebook cũng là một trong những đối tác của họ. Hành động của Yahoo chứng tỏ họ ưu tiên tranh chấp hơn là sự đổi mới”.
Trí tuệ con người ngày càng phát triển, khoa học công nghệ ngày một hiện đại, nhưng việc các hãng công nghệ vi phạm bằng sáng chế của nhau vẫn thường xảy ra. Vì vậy, để phát triển, chúng ta phải sáng tạo bởi chỉ có sự sáng tạo mới làm nên những giá trị đích thực.