Theo luật mới về bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu (EU), trẻ em dưới 16 tuổi bị cấm sử dụng mạng xã hội như Facebook, Snapchat, Instagram và chỉ được sử dụng nếu có sự cho phép của cha mẹ.
Liên minh Châu Âu (EU) đang đưa ra dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội
Cụ thể, theo quy định mới, hàng triệu thanh thiếu niên châu Âu dưới 16 tuổi sẽ bị cấm sử dụng mạng xã hội và buộc phải xin phép cha mẹ mỗi khi đăng ký một tài khoản cá nhân, tải một ứng dụng và thậm chí khi sử dụng công cụ tìm kiếm.
EU yêu cầu nâng độ tuổi sử dụng mạng xã lên 16 thay vì 13
Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về quy định mới trong việc kiểm soát trẻ em dùng Internet. Theo đó, mạng xã hội và các trang có thu thập thông tin cá nhân phải nâng độ tuổi thành viên tối thiểu từ 13 lên 16 tuổi. Dự luật này cũng cho biết, nếu các thanh thiếu niên dưới 16 tuổi muốn sử dụng mạng xã hội thì buộc phải có sự cho phép từ cha mẹ hay người giám hộ.
EU mong muốn các trang mạng xã hội buộc phải nâng độ tuổi đủ điều kiện sử dụng thành 16
Luật mới, một phần trong cải tổ luật bảo vệ dữ liệu của EU, được triển khai trong gần 4 năm qua, được Ủy ban Tự do dân sự, Công bằng và Nội vụ của Nghị viện châu Âu (EP) thảo luận hôm nay và bỏ phiếu vào ngày 17-12, trước khi EP phê chuẩn đầu năm 2016.
Mạng xã hội vi phạm sẽ bị phạt 4% doanh thu
Quy định mới có thể gây đau đầu và thiệt hại doanh thu hàng trăm triệu USD cho các "ông lớn" trong lĩnh vực truyền thông như Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat hay Google. Hiện nhóm người dùng hợp pháp được sử dụng các dịch vụ này tại châu Âu và Mỹ tối thiểu từ 13 tuổi.
Người dùng là trẻ em dưới 16 tuổi đang chiếm số lượng rất lớn trên các trang mạng xã hội
Theo The Telegraph, luật mới nhằm bảo vệ trẻ em này sẽ gây vấn đề lớn cho các công ty mạng xã hội. Theo quy định mới, công ty vi phạm sẽ bị phạt đến 4% doanh thu, tức hàng chục triệu USD với các công ty hàng đầu. Chưa có nhiều phản hồi của người dân về luật cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi, tuy nhiên mặt bằng chung, mọi người đều ủng hộ quyết định này.