Nhà thông minh (smarthome) đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được dự đoán sẽ tăng trưởng kỷ lục về mặt doanh thu.
Nhà thông minh (Smart Home) là gì?
Vài năm trở lại đây, khi thế giới đang dần tiến vào kỷ nguyên Internet of Things (IoT), kết nối mọi vật qua Internet, nhà thông minh trở thành một xu hướng công nghệ tất yếu, là tiêu chuẩn của nhà ở hiện đại. Theo hãng ABI Research, năm 2012 đã có hơn 1,5 triệu hệ thống nhà thông minh đã được lắp đặt ở Mỹ và dự kiến, con số này sẽ tăng đến 8 triệu vào năm 2017.
Nhà thông minh (Smart Home) là gì?
Dường như mọi thứ xung quanh chúng ta đều trở nên thông minh: Từ điện thoại thông minh cho đến máy giặt thông minh, tủ lạnh thông minh, máy hút bụi thông minh... Và sắp tới, bạn sẽ quen với "nhà thông minh". Vậy nhà thông minh là gì?
Nhà thông minh đang dần trở thành tiêu chuẩn của một ngôi nhà hiện đại
Nhà thông minh (tiếng Anh là Smart Home) hoặc hệ thống nhà thông minh là một ngôi nhà/ căn hộ được trang bị hệ thống tự động tiên tiến dành cho điều khiển đèn chiếu sáng, nhiệt độ, truyền thông đa phương tiện, an ninh, rèm cửa, cửa và nhiều tính năng khác nhằm mục đích làm cho cuộc sống ngày càng tiện nghi, an toàn và góp phần sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên.
Những đặc điểm góp phần tạo nên một ngôi nhà “thông minh”
Hệ thống điều khiển nhà thông minh
1. Kiểm soát nhiệt độ: Các hệ thống kiểm soát nhiệt độ thông minh như máy điều nhiệt điều khiển từ xa là một trong hai đặc điểm phổ biến nhất của ngôi nhà thông minh.
2. Hệ thống an ninh: Các hệ thống an ninh thông minh cũng phổ biến như các hệ thống kiểm soát nhiệt độ thông minh. Các thiết bị kiểm soát ra vào bằng chuông cửa có hình kết hợp cho phép chủ nhà nhìn thấy người gọi cửa và mở cửa từ xa cho khách vào.
3. Hệ thống ánh sáng thông minh: Các hệ thống chiếu sáng thông minh cho phép chủ nhà điều khiển đèn thông qua điện thoại di động, bao gồm lập trình chúng mở theo các giờ nhất định và đây là một biện pháp để phòng ngừa trộm. Các hệ thống này còn có thể giúp theo dõi việc sử dụng điện. Chủ nhà còn có thể mua các bóng đèn thông minh riêng để có lắp vào các đèn truyền thống và điều chỉnh bằng điện thoại mà không phải bật điện khắp nhà.
4. Hệ thống an toàn thông minh: Các bộ cảm biến khói và carbone monoxide có thể báo động cho chủ nhà những vấn đề thậm chí khi họ không nghe được những tiếng bíp bíp. Chủ nhà còn có thể nối các bộ cảm biến khắp nhà để còi báo động trong phòng ngủ sẽ kêu bíp bíp nếu có khói ở bếp.
Một mô hình nhà thông minh với một hệ thống hoàn chỉnh và đồng bộ
5. Hệ thống giải trí âm thanh: Theo kết quả điều tra của Coldwell Banker, các hệ thống giải trí thông minh được xem là “đường vào” của công nghệ nhà thông minh. Khoảng 44% người sử dụng công nghệ nhà thông minh đều sở hữu các sản phẩm giải trí thông minh như TV hay các hệ thống loa phát thanh. Hệ thống âm thanh đa vùng cho phép trong nhà cùng một lúc có thể phát các nguồn nhạc khác nhau ở các phòng khác nhau. Chủ nhà có thể lựa chọn chế độ phát nhạc theo thời gian trong ngày.
6. Hệ thống thiết bị: Với các thiết bị kết nối Wi-Fi, chủ nhà có thể từ xa kiểm tra quá trình nấu nướng, nghe thấy tín hiệu báo động khi cửa tủ lạnh mở và thậm chí chẩn đoán được một vấn đề có thể xảy ra đối với thiết bị trước khi gọi sửa chữa.
7. Các hệ thống sưởi và làm mát: Các hệ thống sưởi và làm mát bao gồm lò sưởi, thông gió, điều hoà, lỗ thông hơi và quạt. Các lỗ thông hơi nhỏ có thể mở và đóng từ xa, ngăn chặn nóng, lạnh trong các phòng mà chủ nhà không sử dụng và làm giảm chi phí tiêu thụ điện. Một số hệ thống thông gió và điều hoà có thể phát hiện độ ẩm và điều chỉnh để tạo ra không gian thoải mái hơn hay ra tín hiệu nhắc nhở người dùng khi cần thay thế bộ lọc.
8. Các hệ thống ngoài trời: Các sản phẩm thông minh không chỉ hạn chế ở nội thất. Các bộ cảm biến cây trồng thông minh có thể giúp duy trì cây sống thậm chí khi chủ không thể theo dõi nước và ánh sáng mặt trời có đủ cho cây và đưa ra báo hiệu khi nào cần tưới thêm nước. Các hệ thống tưới nước thông minh điều khiển từ xa cho phép người sử dụng tắt máy nếu một cơn mưa bất chợt đã tưới đủ nước cho cây.
Nhà thông minh - xu hướng của tương lai
Cùng với sự phát triển của các thiết bị điện tử cá nhân như máy tính bảng và điện thoại thông minh cùng hạ tầng thông tin ngày càng tiên tiến như internet hoặc các mạng thông tin di động 3G, 4G, ngày nay cac hệ thống nhà thông minh còn cung cấp khả năng tương tác với người sử dụng thông qua các thiết bị điện tử cá nhân cho phép con người có thể giám sát và điều khiển ngôi nhà từ bất cứ đâu.
Trên thế giới, nhiều kiến trúc sư đang bắt đầu cân nhắc đến hệ thống nhà thông minh trong thiết kế và xây dựng nhà. Khi hệ thống được tích hợp trong quá trình xây dựng nhà, chi phí cho việc lắp đặt, bảo trì sẽ giảm xuống đồng thời hệ thống cũng được triển khai đầy đủ, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, các ngôi nhà hoặc căn hộ sẵn có cũng có thể được sửa đổi để tích hợp hệ thống nhà thông minh.
Trong tương lai, ngôi nhà thông minh có thể có khả năng "tư duy" để tự điều chỉnh và giao tiếp với con người như trong các bộ phim viễn tưởng.
Việc lắp đặt các sản phẩm thông minh đem lại cho ngôi nhà và chủ nhân của nó rất nhiều lợi ích – tương tự như những lợi ích mà công nghệ và máy tính cá nhân đã đem lại cho chúng ta 30 năm qua - bao gồm: sự tiện nghi, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và năng lượng.
Với sự phát triển vũ bảo của công nghệ thông tin, Internet, cùng với việc chi phí cho hệ thống nhà thông minh đã giảm xuống cùng với nhu cầu ngày càng cao của con người, hiện nay nhà thông minh được xem là một lĩnh vực có dư địa phát triển rất lớn. Trong tương lai không xa, có thể hi vọng nhà thông minh sẽ là một xu hướng mới cho cuộc sống của con người hiện đại.
Nguồn: Tổng hợp viết