Đã có rất nhiều những câu hỏi của người dùng xung quanh việc tìm ra một chiếc smartphone đạt danh hiệu bảo mật nhất thế giới, sẽ có những tiêu chí nào để đánh giá một chiếc điện thoại có bảo mật tốt hay không, nếu như có thì thương hiệu nào bảo mật tốt nhất thế giới?
Trả lời cho chủ đề sôi nổi này, một ví dụ nho nhỏ cũng có thể nói lên phần nhiều của câu trả lời cuối cùng. Hãy xem một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới đang sử dụng smartphone nào. Đó chính là Tổng Thống Mỹ Barack Obama.
Ngài Obama chỉ tin dùng điện thoại BlackBerry.
Barrack Obama chỉ tin dùng điện thoại của Dâu đen, đó là sự thật. Bảo mật luôn là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn smartphone của các yếu nhân trên toàn thế giới, không chỉ bao gồm các chính khách mà còn cả các tên tuổi lớn trong làng giải trí, những người lo ngại điện thoại cá nhân bị thâm nhập. Và BlackBerry chính là cái tên số 1 trong lĩnh vực bảo mật. Có thể kể đến các nhân vật khác đang sử dụng BlackBerry bao gồm: Justin Bieber, Lady Gaga, Kim Kardashian, Leonardo DiCaprio, Britney Spears...
Và các sao hàng đầu cũng thế...
Vậy về cơ bản, để đánh giá độ bảo mật của một smartphone, chúng ta cần dựa trên những tiêu chí nào? Và tại sao BlackBerry lại nắm ngôi vô địch trong lĩnh vực này?
Smartphone bảo mật: những tiêu chí đánh giá
Để nói về bảo mật trên smartphone, chúng ta sẽ đi vào 3 tiêu chí dễ dàng nhận ra nhất: hệ sinh thái phần mềm, bảo vệ thông tin người dùng, và mã hóa.
- Thứ nhất, một hệ sinh thái phần mềm có bảo mật hay không, nó tùy thuộc vào đó là nền tảng đóng hay mở. Và dĩ nhiên, những nền tảng đóng sẽ có khả năng bảo mật tốt hơn. Cụ thể, một hệ sinh thái bảo mật tốt sẽ luôn đủ khả năng đối chọi với 2 yếu tố, tấn công từ trong và ngoài.
Những cuộc tấn công từ bên ngoài có thể hiểu là việc mà các hacker sử dụng các công cụ để xâm nhập trái phép vào một nền tảng nào đó. Trên thực tế, trường hợp này rất ít khi xảy ra, bởi những iOS hay Android dù mở đến mấy cũng rất khó "bị cưỡng bức" trực tiếp theo cách này.
Hệ sinh thái phần mềm an toàn là yếu tố tiên quyết trên smartphone
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn lại là yếu tố bị tấn công từ bên trong, thông qua các ứng dụng hoặc mã độc. Nếu như Android, chúng ta có thuật ngữ root máy, thì iOS gọi là jailbreak. Ý nghĩa của 2 hành động này đều là việc chiếm quyền điều khiển máy, cho phép chúng ta truy xuất, quản trị vào nhân hệ thống nhằm thực hiện các thao tác mà trước đây không thể tiếp cận được.
Ở trạng thái mặc định, các thiết bị cầm tay mà chúng ta sở hữu đều có khả năng tự bảo vệ rất tốt. Thế nhưng, sau khi đã thực hiện quá trình root hay jailbreak, các thiết bị này có nguy cơ bị tấn công rất cao.
Chưa bao giờ có trường hợp nào cho thấy điện thoại BlackBerry bị hack từ bên trong (hay root).
Mã độc chính là nỗi sơ hãi của nền tảng Android một thời
- Thứ hai, để đánh giá về độ bảo mật trên smartphone, chúng ta cần cân nhắc đến yếu tố bảo vệ thông tin người dùng. Với những ông lớn như Apple hay BlackBerry, đây gần như một trong những tiêu chí hàng đầu để họ thu hút được các khách hàng. Trong khi đó, như hãng sản xuất mới nổi đến từ Trung Quốc là Xiaomi lại gặp phải không ít bê bối liên quan đến việc làm lộ thông tin cá nhân người dùng.
- Thứ ba, yếu tố giúp đảm bảo tính bảo mật trên smartphone chính là khả năng mã hóa dữ liệu. Mã hóa ở đây có nghĩa, những ứng dụng, thông tin của người dùng khi nằm trên smartphone đều được bảo vệ bằng cách, biến chúng từ các định dạng thường, thành những thông tin không thể hiểu được, và cần tới các phương tiện để giải mã.
Cụ thể như việc, bạn sử dụng dịch vụ tin nhắn của một hãng, nếu những nội dung trong tin nhắn của bạn khi gửi đi đã được mã hóa cẩn thận, thì dù các hacker có bắt được nó, họ cũng khó lòng có thể giải mã, nhằm đảm bảo tính an toàn cho các thông tin này.
Để dễ hình dung, chúng ta sẽ so sánh iOS, Android, Windows Phone với BlackBerry. Ngay từ khi ra đời, Apple đã nhìn thấy trước tương lai của tình trạng tấn công mạng, và đã khởi động giải pháp bảo đảm an toàn cho các thiết bị bằng việc lập tài khoản Apple ID, và quy định khắt khe về chọn lọc các ứng dụng trong App Store. Nhờ thế, iOS đã được đánh giá cao hơn hẳn nhiều hãng khác về chế độ bảo mật.
Dù iOS được đánh giá bảo mật tốt hơn Android, nó vẫn bị xâm nhập và dính scandal.
Trong khi đó, đại diện lớn nhất của Android là Samsung luôn biết cách nắm bắt và thay đổi theo xu hướng phù hợp thị trường. Ban đầu, các dòng smartphone Samsung chạy hệ điều hành Android đều không được đánh giá cao về tính năng bảo mật. Tuy nhiên, sau khi bắt tay với BlackBerry ra mắt dịch vụ Samsung KNOX, yếu tố bảo mật trên các smartphone Samsung đã phần nào được người dùng an tâm hơn.
An tâm hơn chứ không phải là hoàn toàn không có bê bối. Với Samsung, đó là khi một nhà nghiên cứu giấu tên đã hack thành công tính năng bảo mật KNOX của Samsung chạy Android 5.0 sau khi root máy vào tháng 10 năm ngoái. Với Apple là vụ lộ ảnh nóng qua iCloud vào tháng 9.
Về phía Windows Phone, đây cũng không hẳn là nền tảng bảo mật tuyệt đối, dù các ứng dụng lấy từ cửa hàng Windows đều được mã hóa nhằm đảm bảo không ai vô tình bị dính mã độc hay những phần mềm độc hại trên điện thoại của mình. Đáng nói là vào tháng 11 năm ngoái, một hacker của trang XDA-Developers đã phát hiện ra cách hack điện thoại Windows Phone đơn giản đến mức mà chính anh cũng không tin được.
Cụ thể, hacker DJAmol của trang XDA nhận thấy chỉ cần thay thế các nội dung của một ứng dụng đáng tin cậy do nhà sản xuất cài đặt sẵn được di chuyển vào thẻ microSD, ứng dụng do anh bổ sung vào máy sẽ thừa hưởng những đặc quyền của các ứng dụng tin cậy ban đầu.
Xét trên yếu tố thứ 2 và thứ 3, BlackBerry lại tiếp tục là lựa chọn số 1. Trong suốt thời gian tồn tại của mình, nếu như cả iOS và Android đều gặp vấn đề lộ thông tin như ở trên thì chưa bao giờ BlackBerry gặp một scandal nào về việc lộ thông tin người dùng.
Vì vậy, có thể kết luận rằng danh hiệu Điện thoại bảo mật nhất thế giới nên thuộc về BlackBerry.
Nên nhớ rằng, không phải ngẫu nhiên mà smartphone BlackBerry nhận được sự tin tưởng của các tổ chức uy tín, hay rất nhiều các chính phủ trên thế giới. Thực tế, nhiều người thừa nhận, nếu xét về thị trường điện tử dân dụng, Samsung hay Apple đều chiếm ưu thế, nhưng về giá trị định vị thương hiệu doanh nghiệp số, họ chẳng là gì so với BlackBerry, bởi hãng này đang giữ chìa khóa bảo mật tốt nhất hiện nay.
Sự thật đã chứng minh, qua vụ bê bối liên quan các tài khoản iCloud bị tấn công, Apple đã "bị đốn ngã" với mục tiêu tâm huyết dấn sâu vào giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, sau vụ việc hacker tấn công Sony Pictures, giá trị BlackBerry lại được nâng cao, bởi những chiếc BlackBerry cũ kĩ đã trở nên hữu ích cho các nhân viên Sony vượt qua cơn bão tấn công mạng.
Theo genk